Hợp tác Việt - Lào về Công nghệ Mở

Trong Lễ ký kết MOU hợp tác về Công nghệ mở giữa Việt Nam và Lào, Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp Công nghệ D&L giới thiệu "Phần mềm quản trị thư viện tích hợp mã nguồn mở Koha” tại Vụ Công nghệ thông tin – Bộ Khoa học và Công nghệ Lào.
Hợp tác giữa 2 nước Việt Nam và Lào về mọi mặt đã trở thành truyền thống lâu đời giữa 2 dân tộc, 2 quốc gia. Nhưng với Công nghệ Mở, thì sự hợp tác giữa 2 bên thực sự là mới. Vì thế, chuyến đi công tác lần này của đoàn Việt Nam sang Lào có ý nghĩa mới mẻ, và chúng tôi thực sự cảm thấy vui được tham gia và có trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác mới đó.
 
Đoàn Việt Nam lần này có 5 người, do ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở (RDOT), Bộ Khoa học và Công nghệ, làm trưởng đoàn; các ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc công ty Netnam; Vũ Duy Lân, Phó Giám đốc công ty D&L; Trương Anh Tuấn, Giám đốc công ty iWay; và tôi. Nhiệm vụ của đoàn Việt Nam cũng được xác định rõ trước khi đi, là sang nước bạn Lào để gặp và trao đổi với lãnh đạo Vụ CNTT, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào để có thể ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác một cách bền vững, lâu dài giữa 2 bên Việt Nam và Lào về các Công nghệ Mở, mà trước mắt là 2 công việc cụ thể với Bộ Khoa học và Công nghệ Lào về: (1) Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và bản địa hóa các hệ thống phần mềm quản lý thư viện dựa trên nền tảng công nghệ mở cho hệ thống thư viện tại Lào và (2) Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, mở rộng - cập nhật - nâng cấp, bổ sung các tính năng bảo mật và đào tạo hệ thống thư điện tử dựa trên công nghệ mở cho hệ thống thư điện tử tại Lào.
 
Cả 2 hệ thống nêu trên đều là các thành phần của dự án OpenRoad nhiều thành phần mà RDOT hiện đang quản lý. Với OpenRoad, D&L là công ty đứng đằng sau sự hỗ trợ phát triển và triển khai hệ thống phần mềm tích hợp thư viện điện tử Koha và phần mềm hệ thống quản lý tài nguyên số DSpace, còn Netnam và iWay là 2 công ty đầu tiên của nhóm thư điện tử - EC (Email Consortium) đứng đằng sau sự hỗ trợ phát triển và triển khai hệ thống thư điện tử Zimbra nổi tiếng toàn cầu. Qua trao đổi giữa 2 bên trong thời gian trước chuyến đi, chúng tôi được biết, đây là các hệ thống mà các bạn Lào hết sức quan tâm và có khả năng dành ưu tiên cao cho sự hợp tác trong thời gian sớm nhất có thể.
 
Đoàn của các bạn Lào tham gia làm việc với đoàn Việt Nam lần này do ông Keonakhone Saysuliane, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, làm trưởng đoàn; các ông Khampheo Homrasmy, Phó Vụ trưởng vụ CNTT, phụ trách về thư viện; ông Souliya Sengdalavong, trưởng phòng thúc đẩy và phát triển và nhiều cán bộ có liên quan tới 2 hệ thống nêu trên của Bộ Khoa học và Công nghệ Lào đã tham dự.
 
Công việc chính của 2 đoàn ngày 28/05
 
Ngay đầu giờ buổi sáng ngày 28/05, sau thủ tục ngắn gọn giới thiệu những người tham dự của 2 đoàn, 2 trưởng đoàn đã trao đổi với nhau và làm rõ các đường hướng hợp tác chung trong những năm tới, theo đó 2 trưởng đoàn đã thống nhất mở ra một thời kỳ hợp tác mới theo một cách tiếp cận mới, đó là hợp tác nghiên cứu & phát triển, thúc đẩy & chuyển giao công nghệ về các công nghệ mở hướng tới sự bền vững, liên tục và lâu dài, ít nhất là trong vòng 5 năm tới, với tất cả các khía cạnh khác nhau của công nghệ mở mà 2 bên cùng quan tâm, đặc biệt là với các chương trình, dự án, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ dựa vào công nghệ mở đã và đang được triển khai tại Việt Nam.
 
Ngay sau đó, đại diện đoàn Việt Nam đã trình bày về OpenRoad, một dự án nguồn mở khung với nhiều dự án thành phần đã và đang được nghiên cứu, phát triển và triển khai ở một số nơi tại Việt Nam, với các lĩnh vực khác nhau về công nghệ mở đã, đang và sẽ tiếp tục được mở rộng ở Việt Nam, luôn hướng theo mô hình phát triển nguồn mở đúng của thế giới với việc ngược lên dòng trên về các dự án gốc, với các cộng đồng nguồn mở ở Việt Nam phát triển cùng và không tách rời khỏi các cộng đồng nguồn mở thế giới, có tiềm năng lớn để trở thành các dự án hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới, đặc biệt là trong việc cùng nhau trở thành những người tham gia vào sự phát triển, chứ không thuần túy chỉ là những người sử dụng các thành quả của công nghệ mở, không chỉ ở mức quốc gia của mỗi nước, mà mong muốn vươn tới mức toàn cầu, như những ví dụ đã có ở Việt Nam, thông qua sự hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới.
 
Trong phần thảo luận sau bài trình bày, phía các bạn Lào bày tỏ mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam, đặc biệt trong việc sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao các công nghệ mở với một số dự án thành phần cụ thể của OpenRoad. Ngoài các dự án thành phần đó, phía các bạn Lào cũng đặc biệt quan tâm tới một số hoạt động khác, như việc thành lập câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Lào để tập hợp lực lượng; việc triển khai các lớp huấn luyện huấn luyện viên nguồn mở với các khía cạnh phi kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho nguồn nhân lực công nghệ mở của Lào; hay kinh nghiệm và cách thức để có thể tham gia vào cộng đồng nguồn mở của các dự án nguồn mở thế giới mà phía Việt Nam, với kinh nghiệm đã có của mình, có thể trợ giúp được cho các bạn Lào.
 
Tiếp sau, lần lượt là các bài trình bày của đại diện các công ty phía Việt Nam về 2 công việc cụ thể mà phía các bạn Lào có mong muốn đề xuất được tiến hành trong thời gian sớm nhất có thể được: hệ thống thư viện điện tử và hệ thống thư điện tử.
 
Trong phần thảo luận sau từng bài trình bày, các bên đã hiểu sâu hơn các nhu cầu và khả năng đáp ứng của nhau, về các khía cạnh kỹ thuật (kiến trúc, chuẩn, tính tương hợp của các hệ thống mới với các hệ thống đã có, chuyển đổi dữ liệu từ các hệ thống cũ sang hệ thống mới, khả năng xử lý các sự cố...), khía cạnh pháp lý (tuân thủ giấy phép và cấp phép nguồn mở), và cả khía cạnh nghiệp vụ của từng hệ thống.
 
Kết thúc phần thảo luận, 2 trưởng đoàn, một lần nữa, khẳng định lại đường lối hợp tác trong thời gian sắp tới, khẳng định trước mắt sẽ triển khai 2 hệ thống vừa nêu trên trong thời gian sớm nhất có thể được với sự cho phép và phê chuẩn của các cấp cao hơn ở cả 2 bên, và tiến hành các công việc chuẩn bị cho không chỉ 2 hệ thống được nêu trên, mà còn cả các công việc hợp tác khác trong tương lai, trên cơ sở 2 bên sẽ rà soát lại theo từng năm để chỉnh lý, bổ sung kịp thời các vấn đề mà 2 bên có quan tâm theo mức độ ưu tiên để triển khai các công việc hợp tác một cách liên tục, bền vững và lâu dài.
 
Buổi chiều, 2 đoàn tập trung vào việc chỉnh sửa nội dung của biên bản ghi nhớ (MOU) và các phụ lục hợp tác giữa 2 bên.Giữa buổi chiều 28/05, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, dù rất bận họp, đã dành thời gian tiếp đoàn Việt Nam. Bộ trưởng hoan nghênh việc thảo luận hợp tác giữa DIT và RDOT trong những năm tới, nhấn mạnh tới việc phải biến các nghiên cứu lý thuyết thành các triển khai thực tế cụ thể, có hiệu quả cho cả 2 bên trong thực tế cuộc sống. Bộ trưởng khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của xã hội và cũng đã nêu ra cho đoàn Việt Nam 2 bài toán về sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để quản lý (1) việc thu thuế của hàng ngàn doanh nghiệp và (2) quản lý đất đai và thu thuế đất đai tại Lào. Bộ trưởng ghi nhận và bày tỏ sự ủng hộ những đề xuất hợp tác thiết thực của DIT và RDOT và hứa sẽ trao đổi sớm với Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong thời gian tới.
 
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 2 bên
 
Chiều 29/05, trước sự chứng kiến của đại diện 2 bên, 2 trưởng đoàn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu & phát triển, thúc đẩy & chuyển giao công nghệ về Công nghệ Mở. Một chương mới trong hợp tác khoa học và công nghệ đã được mở ra giữa 2 bộ.
Ngay sau buổi lễ ký kết, 2 trưởng đoàn, các thành viên của 2 đoàn và những người chứng kiến đã vui vẻ cụng ly chúc cho sự thành công của lễ ký kết, và cả cho công việc hợp tác sắp tới giữa 2 bên.
Bất giác, tôi nhớ tới lời cầu nguyện của mình khi đi tham quan ngôi chùa lớn Luông Pra Băng ở thủ đô Vientiane vào buổi sáng 29/05, lời cầu nguyện các đức phật phù hộ cho việc hợp tác này luôn được suôn sẻ, thành công và bền vững.
 
Hà Nội, 30/05/2015
Lê Trung Nghĩa